Can thiệp trước những cuộc xâm lăng nước Ý Giáo_hoàng_Lêô_I

Trong sự tan vỡ của Đế quốc Tây La Mã, uy tín của Giáo hoàng Lêô I đã thể hiện trong những cuộc can thiệp trước các cuộc xâm lăng nước Ý. Ông thường được coi là "giáo hoàng hòa bình".

Ngăn chặn Attila

Giáo hoàng Lêô cả gặp Attila được minh hoạ trong một cuốn sách (1358)

Năm 451, Flavius Aetius, Meroves và Theodoricus hiệp lực đánh tan tác quân Hung Nô tại Catalaunica (gần Chalons). Tháng 8/452, vua Hung Nô là Attila (432-453) trở lại Tây Phương. Lần này Attila tiến công nước Ý, quét sạch Bắc Ý, phân tán dân chúng (vì thế người Venezia mới tị nạn qua các đảo và mới nảy sinh ra thành Venezia) phá hải cảng Aquilê. Triều đình sợ quá bỏ thành Ravenna rút về Rôma. Người ta không còn tin vào Aetius nữa.[cần dẫn nguồn] Trong khi đó, các cố vấn da trắng của kẻ xâm lược là Oreste, người La Mã và Onégèse người Hy Lạp, thúc đẩy Attila tiến công Rôma.

Cuộc gặp gỡ của Giáo hoàng Lêô I với Attila, vua người Hung bên ngoài thành La Mã, trên trời là hai vị thánh Phêrô và Phaolô, Tranh được vẽ bởi Raphael

Truyền thuyết kể lại rằng khi gần tới Rôma (ở Minciô) Attila thấy, trong một đám mây bụi vàng, một đám rước kỳ lạ đang tiến lên. Các linh mục Kitô giáo mặc áo lễ, các tu sĩ mặc áo dòng, một đám đông phó tế và ca đoàn mang thánh giá, cớ phướn, lắc các bình hương vàng lóng lánh dưới ánh mặt trời, chầm chậm tiến đến đón ông trong tiếng hát thánh thi và thánh vịnh trầm bổng, đối đáp. Giữa đám rước là một cụ già, râu bạc ngồi trên lưng ngựa cầu nguyện. Attila phóng ngựa về phía dòng sông, cho ngựa bước xuống sông và dừng lại trên một cồn cát. Đoàn đại biểu kỳ lạ đợi ở bờ sông bên kia. Attila hét to hỏi cụ già: "Tên ông là gì?" –"Lêô Giáo hoàng". Tiếng hát ngừng bặt. Attila do dự, rồi lại cho ngựa bước xuống nước, tới bờ sông. Và Đức Giáo hoàng đến trước mặt ông… Giáo hoàng đã yêu cầu Attila rút quân đổi lấy việc triều cống. Attila đồng ý, nhờ đó Rôma mới thoát khỏi cảnh tàn phá. Tuy nhiên chúng ta cũng cần lưu ý đến tác động của hoàng đế Marcianô trên vùng hậu cứ quân Hung Nô.

Người ta không biết Giáo hoàng Lêô đã lấy lý lẽ gì để thuyết phục Attila? Ông có nhắc lại số phận thê thảm của Alaric, sau khi xúc phạm đến Thành không? Tương truyền những người đương thời bảo rằng: năm ngoái Đức Giám mục Loupus (sói) đã thành công ở Troyes, năm nay uy tín của Đức Giáo hoàng Lêô (Sư Tử) thành Rôma cũng không kém! Thực tế không ai biết được cuộc đối thoại giữa hai nhân vật ấy bao giờ. Chỉ biết, sau khi hoàn thành sứ mạng trao phó, Giáo hoàng Lêô trở lại gặp hoàng đế Valentinianô III, người đã nói:

"Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cứu chúng ta khỏi cảnh nguy khốn lớn".

Nhưng huyền thoại lại muốn rằng, trong khi Giáo hoàng Lêô nói với Attila thì vị vua này thấy sau lưng người một người mặc áo trắng như một linh mục cầm gươm doạ mình. Có người bảo nhân vật ấy là một thiên sứ, người khác nói là thánh Phêrô, người khác nữa lại cho là thánh Phaolô. Huyền thoại này người đương thời hoàn toàn không hay biết, nó chỉ xuất hiện vào thế kỷ IX–X và đến thế kỷ XIII được Giacôbê đệ Vôraginô ghi vào Huyền Thoại Vàng. Chính huyền thoại này đã cảm hứng Raphaêlô vẽ bức hoạ nổi tiếng ở Vaticanô.

Thuyết phục quân Vandale

Quân Vandale, sau một thời gian chiếm đóng Tây Ban Nha dưới quyền chỉ huy của Gensericus (Gensêricô) (428-477) vượt xuống Phi châu năm 428. Năm 455, quân Vandale đổ bộ lên nước Ý và chiếm Rôma. Valentinianô, đến phiên ông ta bị giết bởi tay người phục thù cho Aetius. Pêtrôniô Maximô lên thay thế cũng bị nhân dân phẫn nộ. Giáo hoàng Lêô I đã đứng ra can thiệp với Gensêricô để không đốt Thành, không tra tấn dân chúng, nhưng ông không thể cản được 14 ngày cướp phá… Hành động của ông không phải chỉ để bảo vệ hàng giáo sĩ khi ông đi ra gặp thủ lĩnh của những kẻ xăm lăng để thương thuyết ngừng tấn công, mà còn tránh cho thành Rôma và các đền thờ thánh Phêrô, thánh Phaolô, thánh Gioan có đầy dân chúng ẩn náu không bị đốt cháy và tàn phá.